GIỚI THIỆU
Càng nâng là phụ kiện không thể thiếu đối với xe nâng. Để đạt hiệu suất làm việc cao hơn, xe nâng có thể được lắp đặt những bộ càng nâng chuyên dụng như càng đôi hay còn gọi là single double hoặc multiple load handler, bộ càng này giúp xe nâng cùng lúc có thể nâng 2 pallet song song với nhau. Bên cạnh đó, các hãng còn cho ra đời loại càng phóng hay còn gọi là telescopic fork/ reach fork được lắp đặt trên xe nâng, đặc biệt là xe reach truck để làm việc trong các hệ thống kệ double deep.
♦ Càng nâng
Càng nâng hay còn gọi là nĩa nâng, tiếng anh còn gọi là fork được tích hợp trên xe nâng để xúc pallet. Mỗi độ dày của càng nâng tương ứng với mỗi xe nâng có tải trọng khác nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn có thể lắp lẫn với nhau tùy thuộc vào hệ gá càng hay còn gọi là mounting class, chúng ta dễ dàng tìm thấy trong catalogue của các hãng xe nâng có quy định phần này (VD: xe 1 tấn đến 2,5 tấn thuộc hệ 2, xe 3 tấn đến 4,5 tấn thuộc hệ 3…), tuy nhiên chúng ta cũng cần phải xem xét liệu khả năng chịu tải có tương thích với xe theo khuyến cáo của nhà sản xuất hay không.
Chiều dài càng nâng có các độ dài phổ biến như 920mm, 1070mm, 1150mm, 1220mm,… Đối với những xe lớn như 7 tấn hoặc 10 tấn, chiều dài càng tiêu chuẩn có thể là 1520mm hay 1720mm…Chúng ta vẫn có thể yêu cầu nhà cung cấp chào loại chiều dài càng nâng sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của chúng ta.
Kiểu gắn càng nâng có 2 loại phổ biến đó là càng móc và càng xỏ lỗ, càng móc dễ dàng tìm thấy ở những dòng xe phổ thông ngồi lái có tải trọng từ 1 tấn đến 5 hoặc 7 tấn. Trong khi đó, càng loại xỏ lổ lại được thiết kế chuyên biệt cho những dòng xe lớn tấn từ 10 đến 20 tấn hoặc thỉnh thoảng có thể bắt gặp trên một số dòng xe reach truck.
♦ Càng đôi
Càng đôi là hệ thống càng có thể thu lại thành 2 càng hoặc mở ra thành 4 càng để nâng một lần 2 pallet. Việc vận hành đóng mở càng được thực hiện bằng thao tác cần điều khiển thủy lực.
Càng đôi phổ biến nhiều nhất là trong ngành nước giải khát, sản xuất chai, lọ, phân bón, các kho logistics… Đối với các công ty này, xe nâng làm việc với cường độ rất cao, xuất hàng liên tục nên đòi hỏi việc tận dụng tối đa một xe nâng mà vẫn có thể đạt công suất làm việc như 2 xe nâng, thậm chí còn có thể tiết kiệm chi phí khi không phải tuyển dụng thêm một người vận hành hay đầu tư thêm một xe nâng mới.
Một số công ty ở Việt Nam đang sử dụng loại càng này là Bia Việt Nam, Coca Cola, Pepsi,…Tuy nhiên, nếu so về quy mô sử dụng loại càng đôi này phải kể đến các thị trường khác ở Châu Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan…Ở một số nước tiên tiến có ngành công nghiệp pháp triển mạnh, người ta còn có thể sử dụng loại càng để nâng cùng lúc 3 pallet…
Càng đôi còn có loại cố định, tức là một lần có thể nâng 2 pallet nhưng không thể thu nhỏ hay mở rộng vì đây là một cơ cấu hàn khung cố định, chi phí cho loại càng này thấp hơn rất nhiều so với bộ càng đôi vận hành bằng thủy lực và khá bất tiện đối với những nhà máy có khu vực lối đi chật hẹp.
♦ Càng phóng
Càng phòng được sử dụng chuyên biệt trong hệ thống kệ double deep và thường được lắp đặt lên các xe nâng reach truck có chiều cao nâng từ 6m hoặc 7m trở lên. Nếu bạn đang chuẩn bị lắp đặt hệ thống kệ double deep, chắc chắn bạn không thể sử dụng xe nâng có càng nâng thông thường vì kệ double deep có hàng hóa ở lớp bên trong, xe nâng phải có khung đẩy để vươn sâu vào bên trong xúc pallet ra.
Loại khung đẩy cắt kéo thường được sử dụng ở các xe nâng của Mỹ, Nhật Bản… Trong khi đó, những dòng xe Châu Âu thiên về sử dụng càng phóng vì thiết kế tối ưu, tạo khả năng quan sát tốt cho người vận hành trong quá trình sử dụng.
Bộ càng phóng có thể thiết kế bên trong là xy lanh đơn hoặc xy lanh đôi tùy theo yêu cầu riêng của các hãng xe nâng. Chúng ta vẫn có thể yêu cầu nhà cung cấp chào loại xy lanh đôi để đảm bảo về chất lượng và tải trọng nâng.
Bộ càng phóng được điều khiển bằng hệ thống thủy lực giúp hai càng có thể phóng dài ra hoặc thu ngắn lại nếu cần thiết.
Để chọn được bộ càng phóng chất lượng, chúng ta hãy khảo sát nhiều nhà cung cấp để biết được ưu điểm, nhược điểm của từng loại vì nếu chúng ta đi tham quan nhiều trong các kho, hẳn không hiếm gặp những trường hợp hai càng phóng ra không cùng lúc (tức là một bên càng ra nhanh, một bên ra chậm) khiến cho pallet hàng bị xô dịch và khả năng rơi vỡ hàng có thể xảy ra.